Trong số các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao thì đàn hương là loại có nhiều ưu việt hơn cả. Trong đó, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng (trong nhiều lĩnh vực khác nhau) như: lõi cây chiết xuất tinh dầu, dác gỗ làm nhang, hạt chiết dầu hạt, lá làm trà…
Nhìn chung, cho đến thời điểm hiện tại, cây đàn hương vẫn còn là loại cây được trồng thử nghiệm nhưng quy mô phân bố của nó đã ở cấp độ quốc gia. Số lượng đàn hương được trồng ở mỗi hộ gia đình cũng đa dạng, từ vài cây đến hàng ngàn cây.
Tuy nhiên, các ứng dụng của cây đàn hương thì không phải ai cũng rõ, đặc biệt là nguồn lợi từ lá đàn hương có thể mang lại ngay từ 6 tháng đầu gieo bầu ươm (với bầu ươm đã trên 8 tháng tuổi, tức cây đã hơn 1 năm tuổi). Lúc này, ta có thể hái lá và búp lá đàn hương để làm trà.
Trà đàn hương có công dụng gì?
Theo nguồn tin từ Viện đàn hương thì trà lá đàn hương có các công dụng sau:
- Bảo vệ gan, kháng viêm.
- Ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
- Tốt cho hệ thần kinh.
- Chống oxy hóa.
- Chống ung thư (1).
Tuy nhiên, cần lưu ý những người thần kinh hay hoảng hốt thì không nên dùng trà này vì nó sẽ khiến mất ngủ (theo chia sẻ của những người đã từng dùng).

Các bước làm trà đàn hương
Để làm trà đàn hương từ lá đàn hương, bạn cần dùng lá tươi hái vào buổi sáng hoặc chiều.
Chọn lá để hái
Lá đàn hương có một điểm đặc biệt là lá già thì dày và rất giòn, bạn bóp ngang sẽ thấy nó gãy giòn tanh tách còn lá vừa vừa và lá non thì ít giòn hơn (vì vậy thường chỉ dùng lá non làm trà).
Thông thường, khi hái lá làm trà ta thường hái phần ngọn 1 tôm 2 lá. Tuy nhiên, với lá đàn hương thì bạn có thể hái cả những lá non, lá vừa vừa (bánh tẻ) vì những lá này khi sao thành trà thì hương vị của nó đậm đà hơn so với ngọn (mặc dù cọng trà sẽ không xoắn đẹp như ngọn).
Gợi ý: Bạn có thể hái cả ngọn và lá rồi để riêng, sao riêng từng loại.
Rửa và để ráo
Sau khi hái lá, bạn đem rửa sạch rồi trải đều ra rổ, sàn để phơi gió cho héo dần (thường phơi khoảng nửa ngày là được). Vì vậy, bạn có thể hái lá vào buổi sáng, để tới trưa thì bắt đầu sao.
Sao trà
Sao trà là công đoạn khá vất vả nhưng cũng không khó thể thực hiện. Chỉ cần bạn kiên nhẫn sao và vò từ 3 – 5 lần thì sẽ có được mẻ trà ngon.
Bước 1: Cho lá đàn hương vào chảo, vặn lửa riu riu cho nóng dần và xào qua xào lại cho lá nóng đều (dùng tay hoặc đũa đều được, dùng tay thì dễ bị bỏng nhưng lá trà ít bị vụn và ta có thể cảm nhận được độ nóng để gia giảm nhiệt).
Bước 2: Khi thấy lá trà nóng hổi, dập, tươm nước và hơi đổi màu, đồng thời phiến lá cũng mềm xoải ra thì ta tắt bếp, lấy ra, để nguội bớt thì vò.
Cách vò như sau: lấy một nhúm lá cho vào lòng bàn tay và dùng hai tay xoay tròn như xoay viên bột, xoay nhiều lần như vậy thì để xuống và xoay tiếp những lá còn lại.
Bước 3: Tiếp tục cho lá đàn hương vào chảo và xào tiếp, khi thấy lá nóng hổi đều hết thì ta lại lấy ra, đợi nguội bớt rồi gom lại vò thành từng cục, mỗi lần vò thì xoay tròn từ 30 – 40 vòng, vừa xoay vừa nén cho chặt lại.
Bước 4: Tiếp tục cho vào chảo sao rồi vò như các lần trước.
Lưu ý: Với trà đàn hương, cần lưu ý rằng ta chỉ nên để lửa riu riu (tránh khét) và ở các lần sau thì lá đàn hương sẽ bắt đầu giòn dần. Vì vậy, ta sao xong rồi vò cho đến khi thấy lá trà giòn thì không vò nữa để tránh bể nát (thường khoảng 3 lần sao – vò). Lúc này, ta vặn lửa to hơn một tí để lấy độ giòn và thơm cho trà (tức để lá trà hơi khét nhẹ một tí, không để khét đen), sau đó tắt bếp.
Sau khi sao xong, đợi trà nguội bớt thì ta cho trà vào keo lọ hoặc túi kín và bọc kín lại, không để thông hơi.
Cách dùng trà đàn hương
Mỗi lần dùng, ta lấy một ít trà đàn hương ra rồi hãm với nước sôi như trà thông thường. Tuy nhiên, cách uống trà đàn hương có một số điểm khác hơn so với trà thông thường, đó là:
- Thêm đường và uống lạnh thì sẽ ngon hơn uống nóng (kinh nghiệm cá nhân).
- Nếu bạn dùng lá bánh tẻ (không quá già cũng không quá non) để sao trà thì bạn có thể đợi trà nguội, thêm đường và nước đá vào, sau đó uống và ăn cả lá trà (lúc này lá trà sẽ duỗi thẳng ra, mềm và thơm hương đặc trưng của nó).